TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN (ĐIỀU 139)
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối.
Khi nói đến lừa đảo là người ta nghĩ ngay đến sự dối trá của người phạm tội, nên đặc điểm noỉi bất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối của người phạm tội. Tuy nhiên, cũng do đặc điểm này mà thực tiễn xét xử đã có không ít trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng tuyệt đối hoá thủ đoạn gian dối của hành vi lừa đảo, nên chỉ tập trung chứng minh người phạm tội có thủ đoạn gian dối đã vội xác định đó là lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà không thấy rằng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn có một yếu tố rất quan trọng nếu thiếu nó thì chưa cấu thành tội phạm, dấu hiệu đó là hành vi chiếm đoạt tài sản.
Gian dối là đặc trưng cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không phải là dấu hiệu duy nhất của tội phạm, mà ngoài thủ đoạn gian dối, người phạm tội còn phải có hành vi chiếm đoạt tài sản thì mới đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu chỉ có thủ đoạn gian dối nhưng hông có ý định chiếm đoạt tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép tài sản hoặc chỉ là quan hệ dân sự, kinh tế...
Điều 139 luật hình sự năm 1999 quy định:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.