LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN - VP LUẬT SƯ HÀ NỘI AVINA

 

Theo quy định tại Điều 140 Bộ Luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) về tội
“Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì:
“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
…”
Theo quy định trên thì hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ bốn triệu đồng trở lên thì mới phạm vào tội này, nếu dưới bốn triệu đồng thì phải hội đủ các điều kiện khác của điều luật như gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
2. Trong các yếu tố cấu thành cơ bản của của tội phạm “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điểm a, b Khoản 1 Điều 140 BLHS về hành vi khách quan, có những tình tiết khó chứng minh, cụ thể như sau:
Điểm a khoản 1 Điều 140 BLHS quy định: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó”. Tuy nhiên, trường hợp “Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải thích, hướng dẫn. Trong thực tiễn, một người sau khi vay, mượn, thuê tài sản bằng các hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn, nhưng để chứng minh họ có bỏ trốn, nhằm chiếm đoạt tài sản hay không là vấn đề còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, nên đã phát sinh nhiều quan điểm khác nhau, có quan điểm cho rằng, chỉ cần xác định được tình tiết một người nào đó sau khi nhận được tài sản bằng các hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn; không trả tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp là đủ cơ sở kết luận người đó phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, không phụ thuộc vào lý do bỏ trốn của họ là nhằm mục đích gì. Trong khi đó, thực tế đã chứng minh, không phải tất cả mọi trường hợp bỏ trốn đều có ý thức chiếm đoạt tài sản.
Ví dụ: Lê Thanh T, Giám đốc Công ty tư nhân Thuận Thành, chuyên kinh doanh xuất khẩu gạo. Từ năm 2009 đến 2011, do tình hình kinh tế thế giới biến động, không nắm được giá cả, thị trường dẫn đến Công ty của T làm ăn thua lỗ, không trả được nợ khi đến hạn. Các chủ nợ nhiều lần đến Công ty đòi nợ và đe dọa nếu không trả sẽ hành hung. Do sợ bị đánh, T bỏ trốn sang Campuchia để tìm việc làm, với ý định có tiền sẽ đem về trả nợ. Trường hợp này, nếu kết luận T bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản là không có cơ sở, vì số tiền vay, mượn, T đã sử dụng hết vào việc kinh doanh, khi bỏ trốn T không còn tiền. Việc không trả được nợ là do làm ăn thua lỗ, chứ T không có ý chiếm đoạt.
Tại điểm b khoản 1 Điều 140 BLHS quy định: “vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”. Như vậy, chỉ các trường hợp người nhận được tài sản đã sử dụng tài sản đó vào “mục đích bất hợp pháp”, như: buôn lậu, mua bán ma túy, đánh bạc,… dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản, mới bị coi là phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Còn đối với các trường hợp vay, mượn tiền với số lượng lớn, sau đó sử dụng vào việc ăn chơi, tiêu xài hoang phí dẫn đến không khả năng trả nợ, lại không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ, vì việc dùng tiền vay, mượn để ăn chơi, tiêu xài… tuy có trái với đạo đức xã hội nhưng lại không được xem là việc làm “bất hợp pháp”. Thực tế hiện nay, các vụ vỡ nợ, hụi lên đến hàng tỷ đồng xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương đã làm cho bao người điêu đứng vì mất tiền, nhưng xử lý hình sự các trường hợp này lại gặp nhiều khó khăn, chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, thậm chí, nếu xử lý sẽ bị quy kết là “Hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế”.
Về tình tiết định tội
Về mức tối thiểu giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong cấu thành cơ bản: Theo quy định tại Điều 139 BLHS, mức tối thiểu về giá trị tài sản bị chiếm đoạt để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là từ 2 triệu đồng trở lên, nhưng tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” lại quy định từ 4 triệu đồng trở lên. Do định lượng cấu thành cơ bản giữa hai tội không bằng nhau, nên có nhiều trường hợp phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác (có giá trị dưới 4 triệu đồng và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự như: gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án chưa được xóa án tích), nhưng cơ quan điều tra không thể khởi tố ngay được, mà phải tốn kém nhiều thời gian để chứng minh ý thức của người chiếm đoạt tài sản có trước hay sau khi đã nhận tài sản. Trong thực tế, người lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao giờ cũng nại rằng: sau khi nhận được tài sản mới nảy sinh ý thức chiếm đoạt, để trốn tránh trách nhiệm hình sự; bởi vì, tài sản chiếm đoạt có giá trị dưới 4 triệu đồng, chưa đủ định lượng để khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản dẫn đến bỏ lọt tội phạm, vì không chứng minh được ý thức chiếm đoạt có trước khi nhận tài sản.
Về tình tiết “Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản” trong Chương các tội xâm phạm về sở hữu nói chung, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nói riêng, cũng nảy sinh bất hợp lý, chưa mang tính răng đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Theo khoản 1 Điều 140 BLHS quy định: Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nếu có giá trị dưới mức định lượng tối thiểu, thì phải có thêm dấu hiệu “Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích, mà còn vi phạm” mới cấu thành tội phạm, nên trong thực tế có người thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới mức tối thiểu, tuy chưa có lần nào bị kết án về tội chiếm đoạt nhưng lại có nhiều tiền án về các tội đặc biệt nghiêm trọng khác, như: giết người, hiếp dâm trẻ em, mua bán trái phép chất ma túy,… lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, người có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới mức định lượng tối thiểu và chỉ có một lần tiền án về tội chiếm đoạt (mặc dù thuộc loại ít nghiêm trọng) vẫn bị coi là tội phạm.
Về tình tiết định khung tăng nặng “Có tính chất chuyên nghiệp”.
 Nếu so với tội “Trộm cắp tài sản”, thì tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” có tính chất nguy hiểm cho xã hội không kém và hậu quả, thiệt hại xảy ra thường lớn hơn, nhưng người thực hiện hành vi phạm tội trộm cắp “có tính chất chuyên nghiệp” lại thuộc cấu thành tình tiết định khung tăng nặng, theo điểm b khoản 2 Điều 138 BLHS. Ngược lại, phạm tội “có tính chất chuyên nghiệp” trong tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” chỉ bị xử lý theo khoản 1 Điều 140 BLHS.
Ví dụ: Võ Văn E đã có hành vi lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của A, B và C mỗi người 5.000.000 đồng; của K và L mỗi người 10.000.000 đồng. Tổng số tiền đã chiếm đoạt là 35.000.000 đồng. Theo quy định, E chỉ bị truy tố, xét xử theo khoản 1 Điều 140 BLHS, với khung hình phạt từ ba tháng đến ba năm tù. Nhưng cũng tính chất như trên, nếu E phạm tội “Trộm cắp tài sản”, thì bị xử lý theo điểm b khoản 2 Điều 138 BLHS, với khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù.

 

 

Văn phòng luật sư

» Trình tự giải quyết Ly hôn

» Tư vấn luật đất đai

» Vụ án Hình sự

Công ty luật

» Soạn thảo Hợp Đồng dân sự

» Khởi Kiện Dân Sự - Hôn nhân

Đại diện pháp luật

» Luật sư riêng

» Đại diện ủy quyền

» Soạn thảo hợp đồng, đơn từ