(Nguoiduatin.vn) - Đó là nhận định của thạc sỹ, luật sư Phạm văn Phất- trưởng văn phòng Luật sư An Phát Phạm (Đoàn luật sư Hà Nội) xung quanh những vụ việc đẻ thuê được báo chí phản ánh thời gian gần đây.
Không chỉ vi phạm đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật
Thời gian qua, xuất hiện nhiều vụ cô gái đẻ thuê. Đẻ thuê cũng được xem như một dịch vụ, ông nhận định gì về thực trạng này?
Trước hết, cần phải khẳng định rằng việc đẻ thuê dưới bất kỳ hình thức nào cũng là vi phạm đạo đức và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Trên thực tế, việc đẻ thuê thường được thực hiện dưới hai hình thức chủ yếu, thứ nhất là đối với các cặp vợ chồng không có con do người vợ không có khả năng sinh đẻ, họ thống nhất nhờ (có trả tiền) một phụ nữ sinh con với người chồng rồi sau khi đứa trẻ sinh ra cặp vợ chồng đó sẽ nuôi đứa trẻ; thứ hai là các cặp vợ chồng nhờ (cũng có trả tiền) người phụ nữ mang thai hộ (do cấy ghép phôi), sau khi đứa trẻ sinh ra cặp vợ chồng sẽ nhận lại đứa trẻ từ người mang thai hộ. Hình thức thứ nhất đã khá phổ biến tại Việt Nam như gần đây báo chí có phản ánh. Hình thức đẻ thuê thứ hai thường diễn ra ở nước ngoài do tốn kém hơn và phải áp dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Dưới góc độ pháp luật, hình thức đẻ thuê thứ hai nêu trên (mang thai hộ) là một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm (Điều 6, Nghị định số 12/2003/NĐ ngày 12/2/2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học). Người có hành vi mang thai hộ có thể bị phạt hành chính từ 20 đến 30 triệu đồng (điểm a khoản 2 Điều 31 Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 6/4/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế).
Đối với hình thức đẻ thuê thứ nhất như nêu trên, theo tôi, có dấu hiệu của tội phạm mua bán trẻ em theo quy định tại Điều 120 Bộ luật hình sự bởi lẽ mặc dù người phụ nữ (không phải là người vợ) sinh con với người chồng nhưng tại thời điểm chuyển giao đứa trẻ, người đàn ông đó chưa được pháp luật công nhận là cha của đứa trẻ và về bản chất, cặp vợ chồng nhờ đẻ thuê đã trả tiền để nhận được đứa trẻ do người phụ nữ khác đẻ ra và người phụ nữ trực tiếp sinh ra đứa trẻ không đứng tên trên giấy khai sinh với tư cách là mẹ đứa trẻ đó.
Có những người đứng ra môi giới đẻ thuê và ăn “hoa hồng” đến vài chục triệu đồng. Với những người môi giới như vậy có vi phạm pháp luật, thưa ông?
Đối với hình thức đẻ thuê thứ nhất như nêu trên, khi cặp vợ chồng nhờ đẻ thuê và người phụ nữ đẻ thuê bị xử lý về tội mua bán trẻ em theo quy định tại Điều 120 Bộ luật hình sự thì người môi giới cũng bị xử lý về cùng tội danh đó với vai trò đồng phạm giúp sức.
Theo PV tìm hiểu, những cô gái nhận đẻ thuê đều có ký kết bằng hợp đồng và sau mỗi thương vụ, các cô gái sẽ được trả vài trăm triệu đồng. Việc ký kết hợp đồng như vậy có vi phạm pháp luật? Luật pháp có định danh hành vi này?
Thỏa thuận đẻ thuê không chỉ vi phạm đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật. Sở dĩ trên thực tế hầu như chưa có vụ đẻ thuê nào bị xử lý về hình sự là do những người liên quan đều tự nguyện, bí mật và sự việc không bị phát giác. Nếu phát hiện được hợp đồng bằng văn bản thì đây là một trong những chứng cứ của hành vi phạm tội mua bán trẻ em. Tất nhiên, khi đã bị xử lý về hình sự thì số tiền 150- 200 triệu đồng (thậm chí cao hơn) do phạm tội mà có đó cũng bị tịch thu xung công.
Không chỉ nên trông chờ vào các chế tài pháp luật
Ở một khía cạnh khác, có những "hợp đồng" thuê đẻ chỉ bằng miệng, các bên tham gia "thực hiện hợp đồng" lại "bí mật". Liệu có những hệ lụy sẽ xảy ra từ những bản hợp đồng miệng?
Dù hợp đồng đẻ thuê có được lập bằng văn bản hay bằng miệng thì cũng không được pháp luật bảo vệ vì đó là những giao dịch trái pháp luật.
Thực tế, dịch vụ đẻ thuê bùng nổ tại Việt Nam khi nhiều cặp vợ chồng sẵn sàng trả bất cứ giá nào được yêu cầu để có được một đứa con. Theo ông, luật pháp nên có quy định siết dịch vụ này và có chế tài xử phạt để ngăn chặn dịch vụ này ngày càng bùng phát?
Nhu cầu có một đứa con là nhu cầu chính đáng của bất kỳ cặp vợ chồng nào. Nhưng việc có một đứa con thông qua hình thức nhờ người khác đẻ thuê lại là một việc vi phạm đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật. Khi một hành vi vi phạm pháp luật đã trở nên phổ biến, có tính chất bùng nổ thì đòi hỏi các cơ quan chức năng phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn.
Trên thực tế nhiều người chỉ đơn giản nghĩ rằng việc đẻ thuê là vi phạm đạo đức và nếu bị phát hiện thì sẽ bị dư luận dị nghị chứ họ không hiểu được ý nghĩa pháp lý của hành vi đó. Chính vì vậy họ mới lập hợp đồng đẻ thuê bằng văn bản và tìm mọi cách để giữ bí mật sự việc. Do đó, để ngăn chặn tình trạng đẻ thuê, không nên chỉ đơn thuần áp dụng chế tài xử phạt mà trước hết cần có biện pháp tuyên truyền, giáo dục về tính chất pháp lý của hành vi vi phạm, làm cho mọi người đều hiểu rằng đẻ thuê là vi phạm pháp luật và những người liên quan có thể bị xử lý về hình sự. Bên cạnh đó cũng cần tuyên truyền về giải pháp hợp pháp cho những cặp vợ chồng vô sinh hoặc hiếm muộn có được đứa con của họ (như nhận nuôi con nuôi).