Gần đây, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh khá nhiều vụ vay tiền không trả, khi cơ quan tố tụng xử lý người vay về tội lừa đảo thì gây nhiều tranh cãi.

 Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Thạc sĩ Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao, bàn về chuyện khi nào thì hành vi vay tiền không trả bị coi là phạm tội.

Điểm chung của các vụ này là bên đi vay đều dùng thủ đoạn gian dối nhằm vay được tiền nhưng ý thức chiếm đoạt lại không rõ. Hướng xử lý của cơ quan tố tụng không thống nhất, có nơi khởi tố, có nơi lại xác định là quan hệ dân sự.
Bài học “hình sự hóa quan hệ dân sự”
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi hàng loạt các quỹ tín dụng bị vỡ nợ, các cơ quan tố tụng lúc bấy giờ đã khởi tố, truy tố, xét xử hàng trăm vụ án liên quan đến “vỡ nợ” quỹ tín dụng về các tội lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, sau đó các cơ quan tố tụng đã tiến hành tổng kết về việc xử lý hình sự đối với các trường hợp vay, mượn liên quan đến các quỹ tín dụng bị vỡ và phát hiện có nhiều trường hợp đã “hình sự hóa các quan hệ pháp luật dân sự”. Ngoài việc tiến hành giám đốc thẩm, minh oan cho những người bị “hình sự hóa”, các cơ quan tố tụng cũng rút được bài học bổ ích trong quá trình khởi tố, truy tố, xét xử loại án này.
Rất tiếc, do nhiều nguyên nhân nên cho đến nay các ngành tố tụng chưa ban hành được một thông tư liên tịch hoặc nghị quyết hướng dẫn thế nào thì coi là phạm tội, trường hợp nào chỉ là quan hệ dân sự trong các hợp đồng vay, mượn tài sản. Hiện nay tình trạng “hình sự hóa dân sự” tuy không phổ biến nhưng nó lại được tái hiện ở một số địa phương và gây nhiều tranh cãi, bởi còn có ý kiến trái ngược nhau về việc xác định đâu là quan hệ pháp luật dân sự, đâu là hành vi phạm tội.
 
Khi nào phạm tội?
Trở lại câu hỏi khi nào việc vay tiền không trả bị xem là có tội. Trong thực tế, để vay được tiền, bên đi vay có thể dùng những thủ đoạn gian dối như làm giả giấy tờ hoặc đem giấy tờ của tài sản đã chuyển nhượng cho người khác thế chấp… Các hành vi này có phải là lừa đảo hay không thì chưa thể khẳng định ngay được vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm hai hành vi khách quan. Đó là hành vi dùng thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Đây là dấu hiệu bắt buộc (yếu tố cần và đủ) để xác định một người có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không.
Cụ thể, nếu bên đi vay tiền chỉ mới có hành vi gian dối mà không có ý định chiếm đoạt, tức là có ý thức vay rồi sẽ trả nhưng do làm ăn thua lỗ, gặp hoàn cảnh khó khăn… nên không trả được thì không phải là tội phạm. Thậm chí nếu bên đi vay tuy lúc đầu có ý định chiếm đoạt nhưng sau khi thực hiện hành vi gian dối đã từ bỏ ý định chiếm đoạt thì cũng được coi là tự nguyện nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (theo quy định của BLHS thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Nếu hành vi gian dối đã cấu thành một tội phạm khác thì người có hành vi gian dối chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm đó. Ví dụ: Làm giả giấy tờ của cơ quan nhà nước để được vay tiền ngân hàng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 267 BLHS.
Tuy chưa có hướng dẫn chính thức nhưng thực tiễn xét xử cho thấy việc xác định hành vi gian dối không khó nhưng việc xác định hành vi chiếm đoạt trong nhiều trường hợp không dễ. Do đó, khi xác định người vay tiền có chiếm đoạt hay không cần phải căn cứ vào các tình tiết cụ thể của từng vụ việc, mối quan hệ giữa người vay với người cho vay; mục đích, động cơ của người vay về việc sử dụng số tiền vay như thế nào...
Theo chúng tôi, cần phải phân biệt như sau:
- Nếu người có hành vi gian dối sau khi vay được tiền đã sử dụng tiền đó vào mục đích phạm tội như buôn lậu, đánh bạc, đưa hối lộ... dẫn đến mất khả năng trả nợ thì phải coi là chiếm đoạt.
- Nếu người có hành vi gian dối sau khi vay được tiền đã dùng số tiền đó đầu tư vào các lĩnh vực khác không đúng với thỏa thuận với người cho vay (kể cả kinh doanh hợp pháp và không hợp pháp) dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ thì cũng không coi là chiếm đoạt. Tùy trường hợp nếu hành vi sử dụng tiền vay cấu thành một tội độc lập như tội sử dụng trái phép tài sản hoặc tội cho vay lãi nặng thì họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng đó.
- Nếu người có hành vi gian dối sau khi vay được tiền dùng số tiền đó kinh doanh hợp pháp nhưng do bị thua lỗ, mất khả năng thanh toán nợ thì không coi là chiếm đoạt; nếu bỏ trốn thì mới coi là chiếm đoạt.
Làm giả giấy tờ mượn tiền Để vay 4,4 tỉ đồng của bà T., bà M. hứa sau khi trả tiền ngân hàng sẽ bán nhà trả nợ (thực tế bà M. vay tiền tiêu xài và cho bạn mượn lại). Để bà T. tin tưởng, bà M. làm giả hai hợp đồng ủy quyền có công chứng, nội dung là các đồng sở hữu nhà cho phép bà M. toàn quyền bán nhà cho bà T. trừ nợ… Năm 2010, hai bên ra phòng công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng nhà thì phòng công chứng cho biết căn nhà đã bị TAND quận 1 (TP.HCM) kê biên trong một vụ án liên quan từ năm 2008. Bà T. bèn tố giác ra công an.
Tháng 9-2010, Công an TP.HCM chuyển hồ sơ sang VKSND TP trao đổi theo hướng khởi tố bà M. về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xem xét, VKS yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ thêm ý thức chiếm đoạt của bà M. Sau khi bổ sung, cơ quan điều tra vẫn giữ nguyên quan điểm khởi tố. Nhưng đến tháng 11-2011, cơ quan điều tra ra thông báo không khởi tố bà M. vì việc vay tiền là quan hệ dân sự, bà M. không có ý thức chiếm đoạt tài sản...
Thế chấp giấy tờ nhà đất đã bán
Năm 2008, vợ chồng Nguyễn Minh Thông vay của ông T. (Nha Trang) 1 tỉ đồng. Hết tiền trả, tháng 8-2008, vợ chồng Thông thỏa thuận chuyển nhượng nhà, đất cho ông T. với giá 2 tỉ đồng. Nhà, đất chưa được cấp giấy tờ nên hai bên lập biên bản cam kết (có công chứng) là sau khi được cấp giấy tờ, vợ chồng Thông sẽ giao lại cho ông T. và hoàn tất thủ tục chuyển nhượng. Tháng 3-2009, vợ chồng Thông được cấp giấy tờ nhưng không thực hiện cam kết mà mang giấy tờ thế chấp cho một công ty vay 700 triệu đồng. Để đảm bảo khoản vay, vợ chồng Thông phải ký hợp đồng chuyển nhượng nhà cho công ty với thỏa thuận là sau bốn tháng không trả nợ thì công ty được chuyển quyền sở hữu nhà...
Tháng 9-2011, TAND tỉnh Khánh Hòa đã phạt Thông 12 năm tù, vợ Thông tám năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mới đây, bản án này đã bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng hủy vì cho rằng cấp sơ thẩm chưa làm rõ được ý thức chiếm đoạt của các bị cáo.
ĐINH VĂN QUẾ

 

 

Văn phòng luật sư

» Trình tự giải quyết Ly hôn

» Tư vấn luật đất đai

» Vụ án Hình sự

Công ty luật

» Soạn thảo Hợp Đồng dân sự

» Khởi Kiện Dân Sự - Hôn nhân

Đại diện pháp luật

» Luật sư riêng

» Đại diện ủy quyền

» Soạn thảo hợp đồng, đơn từ