Tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là thuộc sở hữu chung của cả vợ chồng. Vợ, chồng đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Về nguyên tắc, khi hôn nhân còn tồn tại thì tài sản chung vẫn còn tồn tại, chế độ tài sản này chỉ chấm dứt khi quan hệ hôn nhân chấm dứt (ly hôn; một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết).  

Nhưng thực tế cho thấy, nhiều cặp vợ chồng muốn được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bởi vợ chồng mâu thuẫn trong quản lý, sử dụng tài sản chung hoặc bởi vợ chồng mâu thuẫn về tình cảm, song họ không muốn ly hôn nhưng muốn độc lập về tài sản… Từ thực tế đó, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 trên cơ sở kế thừa Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 (Điều 18) đã tiếp tục thừa nhận và quy định sâu sắc hơn chế định chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, các quy định đó vẫn còn có những vướng mắc cần phải được tháo gỡ. Cụ thể như sau:

1.       Khoản 1, Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: “Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”. Và theo hướng dẫn tại Điều 6, Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 quy định chi tiết thi thành Luật HN&GĐ năm 2000 thì: “Văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng có thể có người làm chứng hoặc được công chứng, chứng thực”. Có thể nhận thấy, quy định này là “rất mở” do đó đã tạo ra các hệ quả là:
-           Thứ nhất, vợ chồng có thể dễ dàng thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, bởi chỉ cần có “lý do chính đáng” là đã có thể chia tài sản chung. Lý do chính đáng thì rất nhiều, nhưng pháp luật hiện hành lại không giải thích, cũng như không có quy định cụ thể về “lý do chính đáng”. Từ quy định mở này, các cặp vợ chồng có thể dễ dàng thỏa thuận chia tài sản chung miễn sao họ thấy lý do là chính đáng và họ được phép tự làm văn bản thỏa thuận chia tài sản chung với nhau, văn bản đó cũng không bắt buộc phải có người làm chứng hoặc công chứng/chứng thực, bởi pháp luật cho phép họ “có thể” mời người làm chứng hoặc công chứng/chứng thực.
-           Thứ hai, khi vợ chồng có thể dễ dàng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như vậy thì quan hệ hôn nhân chỉ còn tồn tại về mặt nhân thân, còn quan hệ tài sản giữa vợ chồng đã được dân sự hóa, bản chất của hôn nhân gia đình vì thế không được thực hiện. Việc pháp luật cho phép vợ chồng có thể dễ dàng chia tài sản chung mà không quy định trách nhiệm của họ đối với gia đình sau khi chia tài sản chung cũng là một điều cần phải cân nhắc lại. Giả sử, với lý do kinh doanh riêng, vợ chồng thỏa thuận chia toàn bộ tài sản chung, tài sản của ai làm ra thuộc về người đó, thì khi đó cuộc sống chung của vợ chồng, lợi ích gia đình được đặt ở vị trí nào? Trách nhiệm của vợ chồng với con cái sẽ được xử lý như thế nào?...Theo tôi, cần phải có các quy định ràng buộc trách nhiệm của vợ chồng với cuộc sống chung của gia đình khi thỏa thuận chia tài sản chung. Pháp luật đã quy định: “Tài sản chung của vợ chồng được chi dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ chồng” (khoản 2, Điều 28 Luật HN&GĐ), do vậy: (i) không nên đặt ra một quy định quá “mở” như Điều 29 Luật HN&GĐ đã ghi nhận; (ii) không nên cho phép vợ chồng được phân chia phần tài sản chung dùng cho nhu cầu của gia đình và thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ chồng; (iii) nên có quy định giới hạn phần tài sản chung vợ chồng được phép phân chia trong thời kỳ hôn nhân.
2.       Trong trường hợp vợ chồng không tự thỏa thuận phân chia tài sản chung được, thì khoản 1, Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000 cho phép vợ chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa quy định về nguyên tắc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để Tòa án áp dụng giải quyết khi có yêu cầu. Điều này gây không ít khó khăn cho Tòa án khi giải quyết tranh chấp phát sinh.
      Trước đây, Điều 18 Luật HN&GĐ năm 1986 đã quy định: “Khi hôn nhân còn tồn tại, nếu một bên yêu cầu và có lý do chính đáng, thì có thể chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định ở Điều 42 của Luật này”. Điều 42 quy định về nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn. Như vậy, Luật HN&GĐ năm 1986 đã đưa ra một nguyên tắc để Tòa án căn cứ vào đó giải quyết, phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân, nhưng đến khi xây dựng Luật HN&GĐ năm 2000, các nhà làm luật lại “quên” mất điều quan trọng này.
3.       Cũng trong trường hợp vợ chồng không tự thỏa thuận phân chia tài sản chung được mà phải nhờ đến Tòa án giải quyết, theo hướng dẫn của khoản 3, Điều 6 Nghị định 70/2001/NĐ-CP thì cả hai bên hoặc một bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Thoạt nhìn, thì điều này là hợp lý. Nhưng nếu xét kỹ, thì pháp luật vẫn còn khe hở để vợ chồng trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản. Theo quy định tại Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2000, khi vợ chồng có nghĩa vụ tài sản riêng thì nghĩa vụ tài sản đó được thực hiện bằng tài sản riêng của họ, tài sản chung của vợ chồng không được sử dụng cho việc thanh toán các khoản nợ này trừ khi vợ chồng có thỏa thuận. Giả sử, vợ hoặc chồng có nghĩa vụ tài sản riêng với người thứ ba, nhưng lại không có tài sản riêng để thanh toán, vậy thì quyền lợi của người thứ ba sẽ được giải quyết như thế nào? Mặc dù, người vợ hoặc chồng đó không có tài sản riêng theo quy định của pháp luật, nhưng trên thực tế phần tài sản của họ trong khối tài sản chung của hai vợ chồng lại “dư sức” để thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho người thứ ba, vậy thì trong trường hợp này người thứ ba có quyền yêu cầu Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng để thực hiện nghĩa vụ riêng hay không – pháp luật cũng chưa quy đinh rõ.
      Có thể nhận thấy, pháp luật về HN&GĐ đã bỏ sót vấn đề này và hệ quả dẫn tới là, vợ chồng có thể dựa vào đó để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản riêng của mình. Theo tôi, ngoài việc chỉ ghi nhận quyền yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân cho vợ, chồng thì pháp luật cũng nên ghi nhận quyền yêu cầu cho người thứ ba, để buộc vợ chồng phải thanh toán nghĩa vụ riêng khi có khả năng thanh toán. Yêu cầu của người thứ ba sẽ không được Tòa án chấp thuận, nếu việc chia tài sản chung của vợ chồng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống chung của gia đình.
4.       Về việc khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung được quy định tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định 70/2001/NĐ-CP. Theo các quy định này, thì trong trường hợp vợ chồng muốn khôi phục chế độ tài sản chung thì có quyền tự thỏa thuận bằng văn bản, có thể có người làm chứng hoặc được công chứng/ chứng thực. Theo tôi, quy định này cũng đã trao cho vợ chồng một quyền hạn quá rộng. Việc cho phép vợ chồng có quyền tự thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, đồng thời lại cho phép vợ chồng tự thỏa thuận khôi phục chế độ tài sản chung mà bỏ qua vai trò của Tòa án đã làm cho Điều 27 (quy định về các loại tài sản chung của vợ chồng) của Luật HN&GĐ năm 2000 chỉ còn là hình thức và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy xấu trên thực tế. Theo tôi, việc khôi phục chế độ tài sản chung có nghĩa là khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 27 Luật HN&GĐ, do đó khi thỏa thuận khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực thì, những tài sản có nguồn gốc được quy định tại Điều 27 phải được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Pháp luật chỉ nên trao cho vợ, chồng quyền thỏa thuận những tài sản riêng quy định tại Điều 32 là tài sản chung khi khôi phục chế độ tài sản chung.
5.       Mặc dù Điều 11, Nghị định số 70/2001/NĐ-CP đã quy định các trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được phép yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng là vô hiệu, nhưng cũng chưa quy định hậu quả pháp lý của việc Tòa án tuyên bố vô hiệu đó. Vậy vấn đề được đặt ra là, sau khi bị Tòa án tuyên bố vô hiệu thì chế độ tài sản chung của vợ chồng sẽ được khôi phục lại như thế nào? Ai có trách nhiệm khôi phục? Và việc thực hiện các nghĩa vụ tài sản của vợ chồng với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ là như thế nào? Thiết nghĩ, đây cũng là các vấn đề cần được quan tâm làm rõ, tránh tình trạng xây dựng pháp luật kiểu nửa vời.
6.       Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo quy định của pháp luật không làm thay đổi quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng và quan hệ giữa cha mẹ và con. Nhưng trên thực tế, phần lớn khi vợ chồng phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân thì có thể dẫn tới tình trạng vợ chồng sống ly thân, một trong các bên lẩn tránh trách nhiệm đối với gia đình, con cái. Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các con, theo tôi, pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của vợ chồng đối với con cái sau khi chia tài sản chung. Nếu xảy ra tranh chấp về con cái, thì Tòa án cũng có quyền giải quyết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền. Việc giải quyết tranh chấp về con cái được áp dụng các quy định tương tự như khi vợ chồng ly hôn.
Quy định cho phép vợ chồng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã mở ra một lựa chọn mới cho các cặp vợ chồng trong việc phân chia tài sản. Ngoài việc tài sản chung được phân chia khi ly hôn thì vợ chồng còn có lựa chọn chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (nếu có lý do chính đáng) mà không cần phải chấm dứt mối quan hệ vợ chồng và mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái. Thuận lợi là vậy, tuy nhiên những vướng mắc như phân tích ở trên cũng cần phải sớm được tháo gỡ./.

 

Văn phòng luật sư

» Trình tự giải quyết Ly hôn

» Tư vấn luật đất đai

» Vụ án Hình sự

Công ty luật

» Soạn thảo Hợp Đồng dân sự

» Khởi Kiện Dân Sự - Hôn nhân

Đại diện pháp luật

» Luật sư riêng

» Đại diện ủy quyền

» Soạn thảo hợp đồng, đơn từ